TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Được thành lập ngày 09/7/2010, Công ty Luật Hợp danh Nam Việt Luật xây dựng được đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, tâm huyết, chuyên nghiệp, lấy nghề luật sư là sự nghiệp. Các Luật sư và cộng sự được đào tạo chính quy, có quá trình học tập, học nâng cao tại nước ngoài, Hà Nội, TP. HCM và kinh nghiệm quản lý tại các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn.

Hiện nay, Công ty Luật hợp danh Nam Việt Luật đang cung cấp Dịch vụ tư vấn pháp luật cho các Tập đoàn kinh tế lớn tại Bình Dương và TP. HCM

NIỀM TIN CÔNG LÝ

Chi tiết bài viết

NGUYÊN TẮC SUY ĐOÁN VÔ TỘI

NGUYÊN TẮC SUY ĐOÁN VÔ TỘI

1. Nội dung

Với tư cách là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, là những quy phạm pháp luật cơ bản và quan trọng nhất của hệ thống pháp luật quốc gia, Hiến pháp năm 2013 quy định:

“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”

Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) được xây dựng và thực hiện theo 27 nguyên tắc cơ bản (từ Điều 7 đến Điều 33), bổ sung và quy định lần đầu tiên nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 13:

 “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”

Suy đoán vô tội là nguyên tắc hiến định và là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, nguyên tắc suy đoán vô tội đặt ra những đòi hỏi cụ thể hơn mà tố tụng hình sự phải đảm bảo đó là:

- Không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của BLTTHS và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Yêu cầu đầu tiên của nguyên tắc suy đoán vô tội là yêu cầu về lỗi phải được chứng minh theo trình tự thủ tục đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố xét xử là đúng quy định pháp luật: Bị can, bị cáo phải được coi là vô tội cho tới khi lỗi của bị can, bị cáo đó được chứng minh, nếu lỗi không được chứng minh, đồng nghĩa với “sự vô tội được chứng minh”. Thông qua các quy tắc pháp lý về việc một người bị tình nghi phạm tội được coi là ngoại phạm cho đến khi nào các bằng chứng rõ ràng chống lại người này chưa được Cơ quan có thẩm quyền đưa ra ánh sáng. Đồng thời, yêu cầu về mặt thủ tục pháp lý là việc truy tố, xét xử một người phải tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Thủ tục công khai, minh bạch là đòi hỏi số một cho việc bảo vệ quyền con người chống lại sự truy bức tùy tiện, bảo đảm xác định và xem xét các tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, làm rõ các căn cứ xác định có tội và những căn cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng yêu cầu phải có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật: người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án kết tội đối với người đó. Bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định bằng phiên tòa xét xử công khai của Tòa án với sự bảo đảm đầy đủ khả năng bào chữa của người đó.

- Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (bên buộc tội). Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội (Điều 15 BLTTHS 2015): “Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình mà nghĩa vụ chứng minh thuộc về Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (cơ quan buộc tội, người buộc tội) phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục luật định.

Người bị buộc tội được quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội đồng nghĩa với việc tại phiên toà bị cáo có quyền im lặng, tức là không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Để có thể ra một trong các quyết định khởi tố, điều tra, truy tố thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm chứng minh và xác định rõ ràng các căn cứ là có tội được quy định trong BLHS, phải đảm bảo xem xét các tình tiết vụ án một cách khách quan, đầy đủ. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình và các hình thức trái pháp luật khác trong các quy trình thu thập chứng cứ và thực hiện các hoạt động tố tụng khác. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Tòa án phải hoàn toàn dựa trên cơ sở những chứng cứ được trình bày trước Tòa để đưa ra phán quyết. Bản án kết tội phải dựa trên các chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, chứng minh bị cáo có tội.

Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực không còn nghi ngờ. Mọi sự nghi ngờ đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Khi có những nghi ngờ về pháp luật (về lỗi của bị can, bị cáo) và chứng cứ xuất hiện nếu không chứng minh làm rõ được thì những nghi ngờ này được hiểu và giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó. Việc suy đoán vô tội chỉ bị bác bỏ bằng việc tuyên bản án buộc tội đã có hiệu lực pháp luật trên cơ sở những chứng cứ được thu thập, thẩm vấn và xác minh một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện tại phiên toà xét xử chứng minh lỗi của bị cáo theo trình tự luật định.

- Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo quy định của BLTTHS thì Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận (ra quyết định) trả tự do hoặc tuyên bố người bị buộc tội không phạm tội. Đây là quy định rõ ràng, dứt khoát và tinh thần này được thể hiện ở các ở giai đoạn tố tụng từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Mục đích của tố tụng hình sự là tội phạm phải được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tuy nhiên, trong thực tế có thể xảy ra tình huống các chứng cứ buộc tội yếu, cả hai khả năng oan sai và bỏ lọt tội phạm cùng song song tồn tại mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết mà pháp luật quy định. Trong trường hợp này, nguyên tắc suy đoán vô tội phải thực hiện theo hướng “thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội”, mở ra một hướng mới cho những trường hợp còn tồn tại những hoài nghi. Nguyên tắc suy đoán vô tội đã đưa ra một phương án tốt nhất để đảm bảo quyền và lợi ích cho người bị buộc tội.

2.Ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội

- Suy đoán vô tội là một nguyên tắc có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án nói chung và quá trình chứng minh nói riêng, giúp hoạt động chứng minh được thực hiện đúng quy định pháp luật, theo trình tự thủ tục nhất định và loại trừ những yếu tố, vấn đề còn nghi ngờ về hành vi phạm tội.

Các quy định liên quan đến nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện trong các giai đoạn tố tụng hình sự, tạo thành hệ thống các quy phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội, bởi lẽ: việc ghi nhận quyền chứng minh của người bị buộc tội sẽ đảm bảo sự cân bằng trong hoạt động tố tụng hình sự giữa một bên là Nhà nước với bộ máy điều tra, truy tố, xét xử hùng mạnh được thực hiện bằng quyền lực Nhà nước, với một bên yếu thế hơn là người bị buộc tội. Đảm bảo người bị buộc tội không bị phân biệt đối xử khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án và là nhân tố phát triển tính đúng đắn của lĩnh vực tố tụng hình sự.

- Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng mang ý nghĩa định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật tố tụng hình sự, tạo ra một hành lang pháp lý trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể tố tụng, duy trì trật tự và tạo điều kiện cho việc phát huy, bảo đảm các quyền cá nhân, sự công bằng, khách quan. Không chỉ là quyền của người bị buộc tội và nghĩa vụ của bên buộc tội, suy đoán vô tội còn phù hợp với quy luật của nhận thức trong tố tụng hình sự: một người luôn vô tội khi nhà nước không chỉ ra được những bằng chứng chống lại điều này và chứng minh được họ có tội.

Nguyên tắc suy đoán vô tội bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm: cơ quan tư pháp, điều tra có trách nhiệm phải tìm được bằng chứng chứng minh vô tội song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội. Đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trước số phận chính trị, danh dự, nhân phẩm và quyền lợi của công dân, nguyên tắc suy đoán vô tội là “lá chắn thép” bảo vệ quyền của người bị tình nghi, bị can, bị cáo, phòng chống oan sai – yếu tố căn bản, thể hiện rõ nhất việc tôn trọng và bảo vệ các giá trị cao quý của con người.

- Suy đoán vô tội có nội dung quan trọng và trọng tâm là bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phản ánh bản chất nhân văn, nhân đạo của pháp luật dân chủ và pháp quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, loại trừ việc buộc tội và kết án thiếu căn cứ. Do vậy, trong quá trình tiến hành tố tụng các Cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người tiến hành tố tụng phải nghiêm túc tuân thủ, tôn trọng và chấp hành theo nguyên tắc này để tránh việc oan sai đối với những công dân vô tội. Nguyên tắc mở ra một định hướng tích cực hơn và được coi là nguyên tắc “vàng” trong hoạt  động điều tra, truy tố, xét xử hiện nay.

Là nguyên tắc, tư tưởng pháp lý tiến bộ và văn minh – thành tựu lớn của khoa học pháp lý trong chứng minh và bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự; suy đoán vô tội là một nguyên tắc có ý nghĩa chính trị to lớn, vượt ra ngoài phạm vi và nội dung pháp lý của nó nhằm ghi nhận địa vị của con người, tự do và dân chủ, ghi nhận mối liên hệ giữa tự do và trách nhiệm, dân chủ và pháp luật trong xã hội. Vì thế, việc ghi nhận cụ thể, đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội như là nguyên tắc cơ bản là đòi hỏi cấp thiết của BLTTHS trong nhà nước pháp quyền.

Bài viết khác

Gọi điệnGọi điện
Nhắn tin Nhắn tin
Chỉ đườngChỉ đường