TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Được thành lập ngày 09/7/2010, Công ty Luật Hợp danh Nam Việt Luật xây dựng được đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, tâm huyết, chuyên nghiệp, lấy nghề luật sư là sự nghiệp. Các Luật sư và cộng sự được đào tạo chính quy, có quá trình học tập, học nâng cao tại nước ngoài, Hà Nội, TP. HCM và kinh nghiệm quản lý tại các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn.

Hiện nay, Công ty Luật hợp danh Nam Việt Luật đang cung cấp Dịch vụ tư vấn pháp luật cho các Tập đoàn kinh tế lớn tại Bình Dương và TP. HCM

NIỀM TIN CÔNG LÝ

Chi tiết bài viết

MỘT SỐ KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG THƯƠNG LƯỢNG

Hiện nay có rất nhiều cách giải quyết tranh chấp nhưng cách giải quyết tranh chấp thông dụng nhất là giải quyết tranh chấp bằng phương pháp thương lượng. Đây là hình thức giải quyết tranh chấp đầu tiên khi tranh chấp bắt đầu xảy ra. Vậy giải quyết tranh chấp bằng thương lượng là gì? Các nguyên tắc, phương pháp để giải quyết tranh chấp bằng thương lượng như thế nào để đạt hiệu quả? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

 

Kỹ năng giải quyết tranh chấp bằng thương lượng

1. Khái niệm thương lượng

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào. 

Việc tự dàn xếp của các bên trong quan hệ thương mại khi có tranh chấp xảy ra là một việc làm rất tự nhiên, thường được các bên áp dụng như là một bước đầu tiên trong quá trình giải quyết mọi bất đồng. Có thể nói giải quyết bất đồng trong kinh doanh giữa các thương nhân bằng cách tự thỏa thuận, thương lượng hình thành từ khi có sự xuất hiện của các giao dịch thương mại. Ngày nay phương thức này được các bên vận dụng một cách hiệu quả, đặc biệt là trong các trường hợp mà các bên vẫn muốn duy trì quan hệ đối tác lâu dài.

Ở Vương quốc Anh, Chánh án Tòa án Tối cao ban hành một hướng dẫn năm 1995 yêu cầu đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp phải kiểm tra xem các bên tranh chấp đã có hiểu biết về các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án trước khi đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án Tối cao hay chưa. Tòa án khuyến khích các bên sử dụng các phương pháp giải quyết tranh chấp ngoài tòa án và theo Quy tắc Tố tụng Dân sự (Civil Procedure Rules), các thẩm phán dân sự có quyền yêu cầu các bên nỗ lực giải quyết các tranh chấp ngoài tòa án.

Dù bạn trực tiếp hay ủy quyền cho luật sư thương lượng giải quyết tranh chấp, để đạt được thành công trong quá trình thương lượng là không đơn giản, đòi hỏi bạn hay luật sư của bạn phải có phương pháp khoa học. Phương pháp khoa học giúp các bên dễ đi đến sự thỏa thuận đáp ứng lợi ích chính đáng của cả hai bên và giải quyết các lợi ích đối kháng một cách công bằng, gắn kết quan hệ lâu bền hơn.

Ngạn ngữ Việt Nam có câu “lạt mềm buộc chặt” nói đến phương pháp xử lý vấn đề mềm dẻo, linh hoạt thì sẽ giành được thành công. Nhưng nếu bạn luôn ở thế “mềm” thì đối phương sẽ lợi dụng và không bỏ lỡ cơ hội tấn công. Vì vậy, cần có sự kết hợp giữa biện pháp mềm dẻo với biện pháp cứng rắn. Nhiều tình huống buộc phải có phương pháp xử lý thích hợp. Các tình huống phát sinh cũng rất đa dạng, chẳng hạn đối phương là kẻ mạnh hoặc trường hợp đối phương không hợp tác... Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi phải có những kỹ năng nhất định để xử lý những tình huống cụ thể xảy ra trong quá trình thương lượng, hòa giải tranh chấp.

 

2. Dù tham gia vào quá trình thương lượng, hòa giải với vai trò nào người tham gia thương lượng cũng cần nắm vững những nghệ thuật cơ bản sau đây:

 

2.1. Lắng nghe thấu hiểu:

 Kỹ năng lắng nghe là rất quan trọng trong thương lượng. Nếu bạn không thể hiểu quan điểm của người khác, thì bạn sẽ không thể đưa ra một đề xuất hợp lý. Có thể khẳng định kỹ năng lắng nghe là kỹ năng đầu tiên và cũng là kỹ năng tiên quyết phải có khi bước vào bất kỳ một cuộc thương nào. Từ sự thấu hiểu đối phương cũng như bản chất của vấn đề đang thương lượng, thông qua đó bạn phải có khả năng phân tích các thông tin, số liệu liên quan đến vấn đề đang thương lượng. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng thể về vấn đề và đưa ra quyết định đúng đắn. Đồng thời bạn mới đưa ra được quan điểm của mình một cách rõ ràng và thuyết phục được đối phương để tiếp nhận quan điểm của bạn.

 

2.2. Tách con người ra khỏi vấn đề

Trong các cuộc thương lượng, một số bên có thể trở nên quá khó chịu hoặc cảm thấy bị tổn thương. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc sẽ giúp bạn giữ bình tĩnh, tập trung vào vấn đề và đưa ra quyết định tốt hơn.

Phương pháp này có vẻ trừu tượng nhưng đây thực sự là một phương pháp hữu hiệu nếu biết cách vận dụng. Trước hết, phương pháp này đòi hỏi người tham gia thương lượng phải nhận thức được rằng mình không phải đang làm việc với những “đại diện của phía bên kia” mà là với những con người cụ thể - với những tình cảm, tiêu chuẩn giá trị riêng của họ, có trình độ, có học thức, quan điểm riêng và rất khó dự đoán được về họ. Xung đột nằm trong đầu của con người, vì vậy, khía cạnh con người có thể làm nên thành công hay thất bại trong các cuộc giải quyết xung đột. Con người luôn có nguyện vọng được thấy mình tốt và quan tâm xem người khác nghĩ về mình thế nào. Điều này làm họ nhạy cảm hơn với lợi ích của đối phương. Mặt khác, cái tôi của họ rất dễ bị tổn thương, họ nhìn nhận thế giới theo quan điểm riêng của họ và luôn lẫn lộn nhận thức của họ với hiện thực. Chính vì vậy rất dễ dẫn tới việc hiểu lầm làm tăng thêm định kiến và dẫn tới những phản ứng, đối phó nhau trong cái vòng luẩn quẩn. Việc tìm kiếm giải pháp trở nên khó khăn và việc thương lượng, hòa giải đi tới bế tắc. Trong khi tiến hành thương lượng, hoà giải cần luôn ghi nhớ rằng mình không phải chỉ giải quyết vấn đề con người của các bên hoặc của phía bên kia mà của cả chính mình. Đừng bộc lộ cái tôi chủ quan vào quá trình giải quyết xung đột. Thái độ bực bội và tâm trạng thất vọng có thể cản trở việc đạt một thỏa thuận có lợi.

Tóm lại ở nghệ thuật “tách con người ra khỏi vấn đề”, đòi hỏi người tham gia thương lượng, trong quá trình giải quyết tranh chấp phải khéo léo, không để “cái tôi” của con người xen vào làm căng thẳng thêm vấn đề cần được thảo luận.

 

2.3. Tập trung vào lợi ích, không tranh cãi về lập trường.

Tranh cãi về lập trường làm ngưng trệ quá trình giải quyết tranh chấp. Tranh cãi về lập trường làm cho việc giải quyết tranh chấp trở thành một cuộc đấu ý chí. Sự bảo thủ lập trường làm cho mỗi bên cảm thấy đang phải tuân theo ý chí cứng rắn của phía bên kia, trong khi các quyền lợi chính đáng của mình lại không được chú ý đến. Tranh cãi lập trường thường làm cho các bên căng thẳng và đôi khi phá tan quan hệ giữa hai bên.

Khi thực hiện phương pháp này đòi hỏi người tham gia thương lượng phải biết cách để đảm bảo các yếu tố sau:

- Điều hòa các lợi ích chứ không phải lập trường. Trong một cuộc thương lượng, hòa giải, vấn đề cơ bản không phải là sự xung khắc lập trường mà là sự xung đột giữa ý muốn, nguyện vọng, lợi ích của các bên.

- Làm cho phía bên kia hiểu chính xác các lợi ích của mình quan trọng và chính đáng đến mức nào. Một nhiệm vụ quan trọng là trình bày cho phía bên kia biết tính hợp pháp của lợi ích. Để thực hiện được việc này, đòi hỏi người tham gia thương lượng phải nắm vững pháp luật để xác định chính xác mức độ bị vi phạm của các lợi ích như thế nào. Thể hiện cho đối tác cảm nhận được lợi ích bị xâm hại đó không xuất phát từ sự đánh giá một chiều, chủ quan của mình mà đó là lợi ích đương nhiên được pháp luật thừa nhận.

- Công nhận lợi ích của phía bên kia như là một phần của vấn đề. Phía bên kia sẽ lắng nghe bạn nếu họ có cảm giác là bạn hiểu họ. Vậy nên, nếu muốn phía bên kia chú ý tới lợi ích của mình thì hãy bắt đầu bằng việc chứng tỏ rằng mình cũng chú ý đến lợi ích của họ.

- Đấu tranh cương quyết trong những vấn đề thuộc thế mạnh làm tăng sức ép có một giải pháp hữu hiệu. Thương lượng cương quyết vì lợi ích của bạn không có nghĩa là đóng cửa đối với quan điểm của phía bên kia. Vừa kết hợp với những phương án mình đưa ra vừa biết tính đến lợi ích của đối phương và tỏ ra rộng mở với những đề xuất của họ. Để thương lượng thành công cần phải vừa cứng rắn vừa rộng mở. Khi đó, người tham gia thương lượng cần phải xác định rõ được rõ ràng những mục tiêu nào cần theo đuổi và những mục tiêu có thể nhượng bộ. Thương lượng, hòa giải thành công thường dựa trên cơ sở biết chịu thiệt, từ bỏ một số lợi ích để đạt được lợi ích cao hơn.

 

2.4. Tạo ra các phương án để đôi bên cùng có lợi.

Trong các tranh chấp liên quan đến pháp lý thì việc tìm một giải pháp để cả đôi bên đều có lợi không phải là vấn đề đơn giản. Nhưng phải biết nhìn xa trông rộng, chịu bỏ đi một lợi ích nhỏ trước mắt để có những mối quan hệ lâu dài. Điều đó dễ thực hiên hơn đối với các nhà kinh doanh, nhưng hoàn toàn không dễ thực hiện đối với các cá nhân trong tranh chấp dân sự, càng khó thực hiện đối với tranh chấp giữa người lao động và người sử dung lao động. Các kỹ thuật có thể xem xét để áp dụng là:

- Tìm kiếm mối lợi chung tiềm ẩn ngay trong xung đột và những cơ hội trong tương lai;

- Để đối phương dễ quyết định, hãy đặt họ trước một sự lựa chọn càng ít phương hại càng tốt;

- Chuẩn bị nhiều phương án khác nhau, bắt đầu từ cái đơn giản nhất. Xem xét xem nên chấp nhận lợi ích nào, nhượng bộ lợi ích nào.

Các phương án nói trên đòi hỏi sự vận dụng nhạy bén và sáng tạo. Người tham gia thương lượng phải biết cách áp dụng vào thực tiễn sinh động của cuộc sống với những sắc thái khác nhau để phát huy hiệu quả các phương pháp vào quá trình thương lượng giải quyết tranh chấp.

 

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty Luật hợp danh Nam Việt Luật:

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH NAM VIỆT LUẬT

Website: luatnamviet.vn                               luatnamviet.com

Email: luatsubinhduong@gmail.com              lsnguyendoanhai@gmail.com

Hotline: 0914 48 1010

Facebook: https://www.facebook.com/congtyluathopdanhnamvietluat

Trụ sở: 467/7, đại lộ Bình Dương, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Rất mong được hợp tác cùng Quý Khách hàng

Bài viết khác

Gọi điệnGọi điện
Nhắn tin Nhắn tin
Chỉ đườngChỉ đường