TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Được thành lập ngày 09/7/2010, Công ty Luật Hợp danh Nam Việt Luật xây dựng được đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, tâm huyết, chuyên nghiệp, lấy nghề luật sư là sự nghiệp. Các Luật sư và cộng sự được đào tạo chính quy, có quá trình học tập, học nâng cao tại nước ngoài, Hà Nội, TP. HCM và kinh nghiệm quản lý tại các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn.

Hiện nay, Công ty Luật hợp danh Nam Việt Luật đang cung cấp Dịch vụ tư vấn pháp luật cho các Tập đoàn kinh tế lớn tại Bình Dương và TP. HCM

NIỀM TIN CÔNG LÝ

Chi tiết bài viết

Trình tự giải quyết tranh chấp lao động

Trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Quá trình giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại hội đồng hòa giải cơ sở hoặc hòa giải viên lao động cấp huyện

  • Tranh chấp lao động cá nhân được đưa ra giải quyết tại hội đồng hòa giải cơ sở. Trong thời gian chậm nhất là 7 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, hội đồng hòa giải lao động cơ sở phải tiến hành hòa giải. Tại buổi hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp hoặc đại diện được ủy quyền của họ.
  • Hội đồng hòa giải cơ sở đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Nếu hai bên chấp thuận phương án thì lập biên bản hòa giải thành. Hai bên có nhiệm vụ chấp hành các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành. Nếu hòa giải không thành thì ghi ý kiến của các bên tranh chấp.
  • Những tranh chấp lao động cá nhân tại các doanh nghiệp ở nơi chưa thành lập Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, tranh chấp về thực hiện hợp đồng học nghề và chi phí dạy nghề.thì do hòa giải viên lao động tiến hành việc hòa giải chậm nhất là 7 ngày, tính từ ngày nhận được đơn của một trong các bên tranh chấp.

Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại tòa án

Đối với những tranh chấp lao động cá nhân, khi hội đồng hòa giải hoặc hòa giải viên lao động đã tiến hành hòa giải nhưng không thành, các bên có quyền yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân thuộc tòa án nhân dân cấp huyện, chỉ trong trường hợp có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thuộc thẩm quyền của Toà Lao động Toà án nhân dân cấp tỉnh.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được tính từ ngày mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích của mình bị bên kia xâm phạm. Căn cứ vào tính chất của từng nhóm vấn đề tranh chấp, pháp luật hiện hành nước ta quy định thời hiệu là 6 tháng, 1 năm, hoặc 3 năm16.

Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể

Thủ tục hòa giải

Khi xảy ra tranh chấp giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động thì hội đồng hòa giải cơ sở hoặc hòa giải viên lao động (ở những nơi không có hội đồng hòa giải) phải tiến hành các thủ tục và phải tiến hành phiên hòa giải trong thời gian chậm nhất là 7 ngày kể từ ngày hội đồng hòa giải hoặc hòa giải viên nhận được đơn yêu cầu hòa giải của một trong hai bên tranh chấp. Tại phiên họp để hòa giải về nguyên tắc là phải có mặt hai bên hoặc đại diện được ủy quyền của họ.

Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét.

Nếu hai bên chấp nhận hòa giải thì lập biên bản hòa giải thành. Hai bên có nghĩa vụ tuân thủ các thỏa thuận ghi trong biên bản hòa giải thành.

Nếu hòa giải không thành thì hội đồng hòa giải cơ sở hoặc hòa giải viên lao động tiến hành lập biên bản hòa giải không thành, ghi ý kiến của hai bên tranh chấp, của hội đồng hòa giải hoặc hòa giải viên lao động. trong biên bản phải có chữ ký của các bên. Mỗi bên hoặc cả hai bên đều có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết.

Thủ tục giải quyết thông qua trọng tài

Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh tiến hành hòa giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể chậm nhất là 10 ngày kể từ nhận được yêu cầu. Tại phiên họp giải quyết tranh chấp phải có mặt các đại diện được ủy quyền của hai bên tranh chấp. Trong trường hợp cần thiết, hội đồng có thể mời đại diện công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở và đại diện của cơ quan nhà nước hữu quan tham dự phiên họp.

Hội đồng trọng tài sẽ đưa ra phương án hòa giải để hai bên xem xét.

  • Trong trường hợp hai bên nhất trí thì lập biên bản hòa giải thành. Hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thỏa thuận ghi trong biên bản hòa giải thành.
  • Trường hợp hòa giải không thành thì hội đồng trọng tài lao động giải quyết vụ tranh chấp, ra quyết định giải quyết và thông báo ngay cho hai bên tranh chấp. Nếu hai bên không có ý kiến thì quyết định đó đương nhiên có hiệu lực thi hành.

Trường hợp tập thể người lao động không đồng ý với quyết định của trong tài thì có quyền yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết và xem xét lại quyết định của trọng tài hoặc tiến hành đình công.

Trường hợp người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của trong tài thì có quyền yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết và xem xét lại quyết định của trọng tài. Việc người sử dụng lao động yêu cầu tòa án nhân dân xem xét lại quyết định của hội đồng trọng tài không cản trở quyền đình công của tập thể người sử dụng lao động.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động ở thủ tục hòa giải cơ sở và trọng tài, các bên phải giữ nguyên trạng quan hệ lao động, không bên nào có hành vi đơn phương để chống lại bên kia17 . Những hành vi này cũng bị cấm trong quá trình tòa án đang thụ lý giải quyết tranh chấp lao động tập thể hoặc trong quá trình tập thể người lao động đình công.

Giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại tòa án

Khi tập thể người lao động không đồng ý với quyết định của hội đồng trong tài lao động cấp tỉnh, họ có quyền yêu cầu tòa lao động thuộc tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết vụ án. Tại phiên tòa giải quyết tranh chấp lao động tập thể thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở đại diện tập thể người lao động tham gia tố tụng tại phiên tòa. Các thủ tục tố tụng tại toà án tương tự như thủ tục tố tụng trong tranh chấp lao động cá nhân.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể là 1 năm, kể từ ngày mà mỗi bên cho rằng quyền và lợi ích của mình bị vi phạm.

Đình công

Trong trường hợp tập thể lao động không đồng ý với quyết định của hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh, thì có quyền yêu cầu toà án nhân dân giải quyết hoặc đình công.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của hội đồng trọng tài lao động, thì có quyền yêu cầu toà án nhân dân xét lại quyết định của hội đồng trọng tài. Việc người sử dụng lao động yêu cầu toà án nhân dân xét lại quyết định của hội đồng trọng tài không cản trở quyền đình công của tập thể lao động.

Khái niệm và những đặc điểm cơ bản của đình công

Khái niệm đình công

Ở nước ta, sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Hồ Chủ Tịch cũng đã ký sắc lệnh số 29/ SL năm 1947 cũng đã ghi nhận quyền tự do kết hợp và bãi công. Tuy hiên, trong một thời gian dài, do đặc thù của cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, quyền đình công của người lao động đã không được sử dụng và trên thực tế họ cũng chưa lần nào sử dụng tới quyền này.

Cùng với công cuộc chuyển đổi cơ chế kinh tế, trong điều kiện kinh tế thị trường, các quan hệ lao động không còn mang tính chất hành chính như trước nữa mà nó là các quan hệ kinh tế. Do vậy, tranh chấp lao động xuất hiện ngày càng nhiều và không ít trường hợp người lao động đã sử dụng đến phương thức đình công để giải quyết các tranh chấp. Song cho đến thời điểm bấy giờ pháp luật vẫn chưa điều tiết nên các cuộc đình công này hầu như là thiếu tính tổ chức và mang tính tự phát. Một số cuộc đình công phải có sự can thiệp của chính quyền và công an mới có thể giải quyết được.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nói trên, Bộ luật lao động 1994 đã chính thức đưa chế định đình công vào và dành 9 điều để quy định những vấn đề có tính chung nhất về đình công và giải quyết các cuộc đình công.

Pháp luật lao động Việt Nam không đưa ra định nghĩa cụ thể về đình công. Tuy nhiên dựa vào các quy định của pháp luật ta có thể đưa ra định nghĩa khái quát về đình công như sau :

Đình công
Đình công là đấu tranh có tổ chức của tập thể lao động trong doanh nghiệp hay một bộ phận cơ cấu của doanh nghiệp bằng cách cùng nhau nghỉ việc nhằm yêu cầu người sử dụng lao động đáp ứng những quyền và lợi ích hợp pháp phát sinh trong quan hệ lao động.

Có thể nói đình công là biện pháp trực tiếp, mạnh mẽ nhất của người lao động để đòi thực hiện đúng các nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo pháp luật, nhất là đòi thỏa mãn những yêu sách của người lao động về tiền lương, điều kiện làm việc và những đảm bảo xã hội, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, do phạm vi ảnh hưởng rất lớn của đình công đối với hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như với xã hội mà quyền đình công này phải được giới hạn trong một khuôn khổ pháp luật cho phép và phải tuân theo những trình tự thủ tục nhất định theo quy định của pháp luật.

Đặc điểm của đình công

Đình công có các đặc điểm sau đây:

  • Đình công là sự ngừng việc của tập thể lao động. Ngừng việc nói ở đây là sự đơn phương ngừng hẳn công việc đang làm bình thường theo hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và nội quy lao động.
  • Đình công là hình thức đấu tranh có tổ chức. Tính tổ chức trong đình công thể hiện ở chỗ: việc quyết định đình công, thủ tục chuẩn bị đình công, tiến hành đình công, giải quyết đình công đều do đại diện của tập thể lao động và công đoàn tiến hành. Ngoài tổ chức công đoàn, không ai có quyền đứng ra tổ chức đình công.
  • Việc đình công chỉ tiến hành trong phạm vi doanh nghiệp hoặc bộ phận của doanh nghiệp.

Giới hạn phạm vi đình công trong một doanh nghiệp hoặc một bộ phận cơ cấu của doanh nghiệp xuất phát từ phạm vi và nội dung của tranh chấp lao động tập thể. Nếu trong vụ tranh chấp mà một bên là tập thể lao động của cả doanh nghiệp thì có thể tất cả người lao động trong doanh nghiệp ngừng việc để đình công.

Nếu là tranh chấp giữa tập thể lao động thuộc bộ phận của doanh nghiệp thì đình công chỉ được tiến hành trong phạm vi bộ phận đó.

Sự tham gia hưởng ứng của những người khác không có liên quan đến tranh chấp lao động tập thể, không thuộc tập thể lao động có tranh chấp thì đều là bất hợp pháp.

Phân loại đình công

Việc phân loại đình công giúp cho quá trình giải quyết đình công được nhanh chóng và hiệu quả, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của nó tới sản xuất và đời sống của người lao động cũng như đối với nền kinh tế xã hội nói chung.

Căn cứ vào tính hợp pháp của đình công ta có đình công hợp pháp và đình công bất hợp pháp.. Đình công hợp pháp là những cuộc đình công được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. đình công bất hợp pháp là những cuộc đình công thiếu một trong số các điều kiện luật định. như vậy, tính hợp pháp của đình công chỉ được xét chủ yếu dưới góc độ thủ tục tiến hành đình công mà không xét về nội dung của các yêu sách trong đình công.

Căn cứ vào phạm vi đình công có thể phân thành đình công doanh nghiệp, đình công bộ phận, đình công toàn ngành. Đình công doanh nghiệp là những cuộc đình công do tập thể người lao động trong phạm vi một doanh nghiệp tiến hành. Đình công bộ phận là những cuộc đình công do tập thể lao động trong phạm vi một bộ phận cơ cấu của doanh nghiệp tiến hành. Đình công toàn ngành là những cuộc đình công của những người lao động trong phạm vi một ngành trên toàn quốc tiến hành.

Pháp luật nước ta chỉ thừa nhận những cuộc đình công trong phạm vi doanh nghiệp (đình công doanh nghiệp và đình công bộ phận) là hợp pháp.

Trình tự, thủ tục tiến hành đình công

Sau khi hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể mà tập thể người lao động không nhất trí với quyết định của trọng tài thì họ có quyền đình công18.

Về nguyên tắc, đình công được thừa nhận là quyền của những người lao động. Tuy nhiên, trong thực tế có những nhóm người lao động lại không được thực hiện quyền này. Việc giới hạn phạm vi quyền đình công phụ thuộc vào từng điều kiện cụ thể của mỗi nước.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc đình công bị cấm trong những doanh nghiệp phục vụ công cộng và doanh nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh quốc phòng. Bởi vì, nếu cho phép những doanh nghiệp này đình công sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, để có thể bảo vệ một cách có hiệu quả các quyền lợi chính đáng của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp không được đình công nói trên, pháp luật quy định các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan phải có chế độ định kỳ làm việc với doanh nghiệp này, thường xuyên nắm tình hình và lắng nghe ý kiến của hai bên tập thể người lao động và người sử dụng lao động. trong trường hợp cá biệt, nếu xảy ra tranh chấp lao động tập thể thì vẫn theo các thủ tục hòa giải và trọng tài. Trong trường hợp một trong hai bên không đồng ý với quyết định của hội đồng trọng tài lao động thì vụ việc sẽ do tòa án nhân dân giải quyết.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp không thuộc diện cấm đình công thì trong trường hợp xét thấy đình công có nguy cơ nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân hoặc ảnh hưởng đến an ninh công cộng, Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định hoãn hoặc ngừng cuộc đình công.

Theo quy định hiện hành pháp luật nước ta, việc đình công phải tuân theo các bước sau đây:

  • Đề nghị việc đình công: việc đình công được đề nghị bởi thập thể người lao động hoặc theo quyết định của ban chấp hành công doàn cơ sở.

    Nếu việc đình công do tập thể người lao động đề nghị chỉ đặt ra vấn đề đình công khi có 1/3 số người lao động trong tập thể người lao động (nếu việc đình công được tiến hành trong doanh nghiệp) hoặc quá nửa số lao động trong một bộ phận cơ cấu doanh nghiệp (nếu đình công được tiến hành trong bộ phận đó). Khi có đề nghị đình công thì ban chấp hành công đoàn cơ sở phải tiến hành lấy ý kiến của tập thể người lao động bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký để xác định số lượng người tiến hành đình công.

    Nếu việc đình công do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định thì cũng phải lấy ý kiến của người lao động theo số lượng và cách thức như trên.

    Việc quy định phải có quá nửa số người trong tập thể người lao động đồng ý mới được đình công vừa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp luật vừa đảm bảo cho cuộc đình công của tập thể lao động do ban chấp hành công đoàn quyết định tạo được uy thế.

  • Thông báo việc đình công: khi đã xác định được số lượng người tham gia đình công, Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải cử đại diện (nhiều nhất là 3 người) để trao bản yêu cầu cho người sử dụng lao động; đồng thời phải gởi một bản thông báo cho cơ quan lao động cấp tỉnh, một bản thông báo cho Liên đoàn lao động cấp tỉnh. Trong bản yêu cầu gởi người sử dụng lao động và trong thông báo gởi cho cơ quan lao động và liên đoàn lao động cấp tỉnh phải ghi rõ những bất đồng, nội dung yêu cầu cần giải quyết, kết quả bỏ phiếu hoặc lấy chữ ký tán thành đình công và thời điểm bắt đầu đình công. Các bản thông báo và yêu cầu phải gởi trước thời điểm bắt đầu đình công ít nhất là ba ngày để các nơi nhận kịp thời tỏ thái độ.

    Cần lưu ý rằng trước, trong và sau khi kết thúc đình công, người lao động không được có hành vi như cản trở hoặc ép buộc người khác đình công, dùng bạo lực làm tổn hại máy móc thiết bị tài sản của doanh nghiệp; và người sử dụng lao động cũng không được sa thải hoặc điều động người lao động đi làm việc ở nơi khác vì lý do đình công; trù dập, trả thù người tham gia đình công hoặc người lãnh đạo đình công.

    Ở một khía cạnh nào đó, có thể thấy các quy định này không đảm bảo bí mật cho các cuộc đình công. Tuy nhiên, có thể nói đình công xảy ra là không có lợi cho cả hai phía: người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, pháp luật lao động nước ta đã có những quy định khá gắt gao nhằm có thể hạn chế thấp nhất các cuộc đình công xảy ra. Các quy định này cũng chứng tỏ đình công thực sự là biện cuối cùng của tập thể người lao động khi việc giải quyết các tranh chấp lao động bằng biện pháp hòa giải và trọng tài bất thành.

Thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các cuộc đình công

Việc giải quyết các cuộc đình công thuộc thẩm quyền của Tòa lao động thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp có tập thể lao động đình công. Trường hợp ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người lao động không đồng ý với quyết định của tòa án nhân dân cấp tỉnh thì có quyền khiếu nại lên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao. Trong quá trình giải quyết vụ đình công thì toà án có quyền quyết định tính hợp pháp hay bất hợp pháp của cuộc đình công.

Những căn cứ để tòa án công nhận cuộc đình công là hợp pháp

  • Cuộc đình công phải do tập thể người lao động trong doanh nghiệp tiến hành và diễn ra trong phạm vi một doanh nghiệp.
  • Cuộc đình công phải phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể, trong quan hệ lao động.
  • Tranh chấp lao động tập thể này phải đã được giải quyết qua các bước hòa giải và trọng tài và phải đủ quá nửa số lượng người lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký và đảm bảo các thủ tục khác theo quy định của pháp luật (gởi bản yêu cầu cho người sử dụng lao động và bản thông báo cho Cơ quan lao động cấp tỉnh và Liên đoàn lao động cấp tỉnh với nội dung và trong thời hạn luật định).
  • Không thuộc các doanh nghiệp cấm đình công theo quy định của Chính phủ hoặc thuộc phạm vi của Thủ tướng Chính phủ quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.

Các căn cứ xác định cuộc đình công là bất hợp pháp

  • Cuộc đình công phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể và vượt ra ngoài phạm vi quan hệ lao động.
  • Cuộc đình công vượt ra ngoài phạm vi doanh nghiệp hoặc thuộc doanh nghiệp cấm đình công.
  • Cuộc đình công xảy ra khi các cơ quan tổ chức có thẩm quyền đang tiến hành hòa giải và xem xét theo thủ tục trọng tài; không theo đúng những thủ tục đã được quy định của pháp luật.
  • Cuộc đình công vẫn tiếp diễn khi đã có lệnh tạm hoãn hoặc ngừng đình công theo quyết định của thủ tướng chính phủ.

Tóm lại, việc đình công về bản chất pháp lý không phải là chấm dứt quan hệ lao động mà chỉ là tạm dừng quan hệ lao động, do đó việc giải quyết các hậu quả của cuộc đình công là hết sức phức tạp. Đình công dù là hợp pháp thì về mặt kinh tế xã hội đều không có lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động cũng như lợi ích của nhà nước và toàn xã hội, vì vậy đình công chỉ có thể là biện pháp bất đắc dĩ khi không còn biện pháp nào khác.

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT HỢP DOANH NAM VIỆT LUẬT
Địa chỉ: 467/7 Đại Lộ Bình Dương, P.Phú Cương, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương
Điện thoại: 091 448 1010
Website: luatnamviet - luatnamviet.com
Email: luatnamviet@vnn.vn
 
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng.

Bài viết khác

Gọi điệnGọi điện
Nhắn tin Nhắn tin
Chỉ đườngChỉ đường